Chuyện về các nhà khoa học – Niels Bohr
Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:
Một giảng viên Đại học ở Anh đã nhờ nhà bác học Ernest Rutherford (1781 – 1937 – Giám đốc Viện hàn lâm Khoa học Hoàng gia, giải Nobel Hóa học năm 1908) đứng ra làm trọng tài cho một việc. Người giảng viên này định cho một sinh viên của mình điểm thấp về môn vật lý nhưng cậu sinh viên khẳng định rằng câu trả lời xứng đáng đạt điểm cao nhất. Cả hai người – thầy và trò – nhất trí mời trọng tài làm chứng. Người được mời là Rutherford.
Câu hỏi thi như sau: “Anh (chị) hãy giải thích, bằng cách nào có thể đo được chiều cao của ngôi nhà, sử dụng khí áp kế?”
Câu trả lời của sinh viên như sau: “Cần đem khí áp kế lên mái nhà, buộc khí áp kế vào một sợi dây dài thả xuống đất, sau đó kéo lên đo độ dài sợi dây thì sẽ biết chính xác độ cao của ngôi nhà”.
(Niels Bohr 1885 – 1962)
Trường hợp này quả là phức tạp, vì rằng câu trả lời hoàn toàn chính xác. Mặt khác, đây là câu hỏi thi môn vật lý nhưng câu trả lời không hề sử dụng kiến thức của vật lý.
Rutherford đề nghị cậu sinh viên trả lời một lần nữa. Nhà bác học cho 6 phút chuẩn bị và báo trước rằng, câu trả lời cần sử dụng kiến thức của môn vật lý. Năm phút trôi qua nhưng cậu sinh viên không viết gì lên tờ giấy chuẩn bị cả. Rutherford hỏi liệu có trả thi được không thì cậu sinh viên trả lời rằng có nhiều cách giải đề thi này nhưng chỉ đơn giản là cậu đã chọn cách tốt nhất.
Thế là nhà bác học đề nghị sinh viên trả lời, không đợi hết thời gian chuẩn bị. Câu trả lời mới như sau: “Cầm khí áp kế trèo lên mái nhà, ném khí áp kế xuống đất, đo thời gian rơi, sau đó dùng công thức tính ra độ cao ngôi nhà”.
Rutherford hỏi người đồng nghiệp giảng viên có hài lòng với câu trả lời như vậy không. Người này trả lời: được. Tuy vậy, cậu sinh viên nói rằng còn nhiều cách giải khác, và họ đề nghị sinh viên trả lời tiếp.
– Có nhiều cách để đo độ cao một ngôi nhà dùng khí áp kế – cậu sinh viên trả lời – Thí dụ, ta có thể chọn ngày trời nắng đo độ cao của khí áp kế và bóng của nó, đo độ dài bóng của ngôi nhà. Sau đó tìm tỉ lệ, xác định ra chiều cao của ngôi nhà.
– Tốt – Rutherford nói – còn cách nào nữa không?
– Có một cách rất đơn giản, em tin là các thầy sẽ thích. Ta trèo lên theo thang, áp khí áp kế vào tường và đánh dấu. Sau đó đếm số dấu, nhân với độ dài của khí áp kế sẽ có độ cao của ngôi nhà.
– Một cách khác phức tạp hơn – cậu sinh viên tiếp tục – ta buộc vào khí áp kế một sợi dây rồi lắc như quả lắc, xác định sức hút ở dưới móng ngôi nhà và ở trên mái nhà. Từ sự khác nhau về độ lớn của sức hút có thể tính được độ cao của ngôi nhà.
– Trong số vô vàn những phương pháp để giải quyết vấn đề trên – cậu sinh viên kết luận – theo em, có một cách đơn giản nhất: ta đem theo khí áp kế, tìm người quản lý ngôi nhà và nói với người này: “Thưa ông, tôi có một khí áp kế rất tuyệt. Tôi xin tặng nó cho ông nếu ông làm ơn nói cho tôi biết độ cao của ngôi nhà này”.
Nhà bác học Rutherford hỏi cậu sinh viên rằng quả thực có phải cậu không biết cách giải phổ biến của câu hỏi này. Cậu sinh viên thú thực rằng biết nhưng mà đã chán đến tận cổ cái cảnh ở trường nào thầy giáo cũng gán cho sinh viên cách tư duy của mình.
Cậu sinh viên trên là Niels Henrik David Bohr (1885 – 1962) – nhà vật lý Đan Mạch, giải Nobel Vật lý năm 1922.
Lời bình: Câu chuyện trên có thể có thật mà cũng có thể chỉ là do người ta hư cấu nên, nhưng đúng là suy nghĩ của người càng phức tạp thì càng khó để tìm ra cái gọi là “chân lý” nhỉ.
(Theo vatlyvietnam.org)