Tiết lộ cấu trúc sách giáo khoa môn Ngữ văn trong chương trình mới
Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:
(GDVN) – Ở bậc trung học, dự kiến số tiết môn Ngữ văn cho phần đọc hiểu và kiến thức đọc hiểu chiếm tỉ lệ trên một nửa, thời gian còn lại cho viết, nói và nghe.
LTS: Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học là tư tưởng chủ đạo của đổi mới căn bản toàn diện giáo dục lần này.
Như vậy, sách giáo khoa theo mô hình phát triển năng lực nhất thiết cũng phải là một cuốn sách mang tính chất tích hợp.
Được tham gia vào quá trình xây dựng chương trình mới, Phó Giáo sư Bùi Mạnh Hùng đang công tác tại Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết trình bày một số suy nghĩ xung quanh việc biên soạn sách giáo khoa mới theo định hướng phát triển năng lực và tích hợp từ góc độ môn Ngữ văn.
Tòa soạn xin giới thiệu đến quý bạn đọc nội dung bài viết này và trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư Bùi Mạnh Hùng.
Đối với môn Ngữ văn, trước đây từng có ba cuốn sách riêng biệt cho Văn học, Tiếng Việt, Tập làm văn, nhưng hiện nay các lĩnh vực kiến thức và kĩ năng có liên quan được tích hợp vào trong một cuốn sách, thậm chí trong cùng một bài học.
Để đạt những yêu cầu này, chương trình mới phải thiết kế được các nội dung dạy học cốt lõi, gồm hai phần chính là kiến thức (văn học, tiếng Việt và giao tiếp) và ngữ liệu là những văn bản thuộc các kiểu loại khác nhau: văn bản văn học (literary texts), văn bản nghị luận (persuasive texts), văn bản thông tin (informational texts).
Để “thi công” hiệu quả một chương trình kiểu này, sách giáo khoa mới cần tích hợp triệt để tất cả kiến thức của môn học vào trung tâm của bài học là văn bản nhằm giúp học sinh phát triển khả năng đọc, viết, nói và nghe về nhiều kiểu loại văn bản đa dạng, cần thiết cho cuộc sống, xung quanh những đề tài, chủ điểm phù hợp với trải nghiệm và hứng thú của người học.
Trên nguyên tắc chung như vậy, chúng tôi dự định thay đổi đáng kể cấu trúc của cả cuốn sách Ngữ văn cũng như cấu trúc của từng bài học.
Sau đây là một số định hướng ban đầu.
Thứ nhất, cơ sở thiết kế hệ thống bài học:
Việc phân chia và sắp xếp các bài học sẽ dựa trên các kiểu loại văn bản và đề tài.
Nói cách khác, qua các bài học khác nhau, học sinh được học các kiểu loại văn bản và đề tài khác nhau, chứ không theo trình tự xuất hiện của văn bản trên trục thời gian.
Tiết lộ cấu trúc sách giáo khoa môn Ngữ văn trong chương trình mới (Ảnh minh họa: Xuân Trung) |
Cần xếp các bài học theo những đề tài, chủ điểm được chọn lọc để học sinh có được những trải nghiệm, hiểu biết đầy đủ, toàn diện về cuộc sống.
Đó là cơ hội để chúng ta đưa những vấn đề lớn của cá nhân, đất nước và nhân loại vào nhà trường như tình yêu, ước mơ, bài học trên đường đời, chủ quyền quốc gia, bảo vệ môi trường, tiến bộ của thời đại công nghệ, toàn cầu hóa và giữ gìn bản sắc dân tộc,….
Thứ hai, số bài học dự kiến:
Số bài trong mỗi cuốn sách sẽ giảm nhiều so với vài chục bài như hiện nay. Việc giảm số lượng bài học như vậy giúp tăng đáng kể dung lượng bài học.
Nhờ vậy, học sinh có cơ hội được rèn kĩ và đầy đủ các năng lực giao tiếp và tăng cường khả năng tích hợp các kiến thức và kĩ năng ngay trong cùng một bài học.
Mỗi bài học kéo dài một số tuần cũng giúp giáo viên được chủ động và linh hoạt trong tổ chức các hoạt động dạy học.
Thứ ba, tỉ lệ bài dành cho các kiểu loại văn bản:
Không chỉ tập trung vào văn bản văn học như sách giáo khoa hiện nay.Bên cạnh văn bản văn học chiếm tỉ lệ lớn, sẽ có một tỉ lệ hợp lí văn bản nghị luận và văn bản thông tin được đưa vào sách.
Còn văn bản văn học có ngôn ngữ đẹp và tinh tế, giúp cho học sinh phát triển năng lực thẩm mĩ, nhưng văn bản nghị luận và văn bản thông tin có ưu điểm khác là cung cấp cho các em mẫu văn bản để viết, đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong đời sống.Việc tăng cường văn bản nghị luận và văn bản thông tin vào sách giáo khoa không chỉ giúp cho học sinh phát triển năng lực đọc những văn bản thông dụng, biết cách thu nhận và xử lí thông tin cần cho học tập và đời sống mà còn giúp các em phân tích thứ ngôn ngữ (từ vựng, ngữ pháp, phong cách,…) thông thường, trung tính, qua đó phát triển năng lực viết.
Thứ tư, tỉ lệ số tiết dành cho các kĩ năng trong mỗi bài:
Trong một bài học phải có đầy đủ các hoạt động dạy học đọc, viết, nói và nghe. Các hoạt động phải tích hợp với nhau theo cách: những gì đã đọc sẽ làm cơ sở cho viết, những gì đã đọc và viết sẽ làm cơ sở cho nói và nghe.
Ở trung học, dự kiến số tiết cho đọc hiểu và kiến thức đọc hiểu chiếm tỉ lệ trên một nửa, thời gian còn lại cho viết, nói và nghe.
Thứ năm, dự kiến phân bố yêu cầu cần đạt và nội dung dạy học ở các bài:
Như đã trình bày ở trên, nội dung chính của chương trình mới gồm hai phần chính là yêu cầu cần đạt và nội dung dạy học. Nội dung của từng bài học cũng như vậy.
Chẳng hạn, khi đọc văn bản văn học, cần:
a) Nhận biết và phân tích được những chi tiết, nội dung cụ thể thể hiện tường minh hoặc hàm ẩn trong văn bản. Biết tóm tắt nội dung văn bản;
Khi viết một văn bản, qui trình viết bảo đảm các bước: xác định nhiệm vụ, mục đích viết và đối tượng tiếp nhận; hình thành ý tưởng; thu thập thông tin, chất liệu cho bài viết (từ suy nghĩ, quan sát, trải nghiệm cá nhân; thông qua thảo luận, đọc sách báo, phỏng vấn,…); lập dàn ý; viết bản thảo; chỉnh sửa (sửa lỗi về bố cục; lỗi về ý; lỗi dùng các phương tiện liên kết văn bản;…); chia sẻ bài viết; hoàn thiện bài viết dựa vào nhận xét, góp ý của người khác.b) Hiểu được chủ đề của văn bản và giải thích cách xác định chủ đề đó (chẳng hạn qua nhan đề; sự thay đổi của bản thân nhân vật chính hay những gì mà nhân vật này rút ra được từ câu chuyện; một câu nói, nhận định trong lời thoại hay lời người dẫn chuyện).
Có những yêu cầu cần đạt cần được cài đặt trong mỗi bài, chẳng hạn:
Đọc: Nhận biết và phân tích được nhân vật, bối cảnh, cốt truyện của một truyện kể; Liên hệ quan niệm sống, ước mơ hay nỗi lo lắng của các nhân vật trong văn bản với bản thân.
Viết: Qui trình viết một văn bản và thực hành qui trình viết; Biết viết một bài văn kể một trải nghiệm cá nhân, có cách kể chuyện mạch lạc, nêu được sự việc, thời gian, nơi chốn, những điều quan trọng đã làm/diễn ra, suy nghĩ và đánh giá về sự việc đó.
Nói và nghe: Biết kể về trải nghiệm cá nhân; có cách kể chuyện mạch lạc, nêu được sự việc, thời gian, nơi chốn, những điều quan trọng đã làm/diễn ra, suy nghĩ và đánh giá về sự việc đó.