HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM TÌM HIỂU LỊCH SỬ VÀ GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA ĐỊA PHƯƠNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG “ĐAN LÁT KON TRANG LONG LOI”

Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:

BÀI CẢM NHẬN CỦA EM NGUYỄN THÚY HÒA CHI ĐOÀN 12C1 VỀ BUỔI HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM TÌM HIỂU LỊCH SỬ VÀ GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA ĐỊA PHƯƠNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG “ĐAN LÁT KON TRANG LONG LOI” CỦA DÂN TỘC BẢN ĐỊA TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN ĐĂK HÀ, TỈNH KON TUM

Từng chiều vội vã, những chuyến xe nối nhau rộn rã. Vị đắng mang bao nhiêu niềm vui ngọt ngào trên phố núi thân thương…”(Thu Thảo, Mùa gió về). Những con thuyền trôi theo dòng sông Đăk Bla thơ mộng, dân bản sống cạnh bờ sông… Họ làm nương, gặt lúa, sàng thóc, phơi rơm… Những người dân bản dùng lồ ô, chẻ lạt, đan vào nhau để tạo thành những công cụ sinh hoạt giản dị thường ngày… Truyền thống đan lát cũng hình thành từ đó. Như một cách để gìn giữ truyền thống đan lát, nhất là ở làng du lịch Kon Trang Long Loi (Đăk Hà), tuần vừa qua, chúng tôi vừa tổ chức một buổi ngoại khóa về “Đan lát Kon Trang Long Loi – Hành trình phát triển và bảo tồn”, một buổi hoạt động đầy ý nghĩa mà tôi sẽ không bao giờ quên được niềm vui sướng và những trải nghiệm thú vị của mình hôm ấy.

Một buổi chiều mát mẻ ngày 30 tháng 10 năm 2024, buổi Hoạt động trải nghiệm tìm hiểu về lịch sử, giá trị và tiềm năng phát triển của nghề đan lát truyền thống tại làng Kon Trang Long Loi nói riêng và những nét văn hóa truyền thống địa phương nói chung được tổ chức tại trường THPT Nguyễn Du. Sau khi hoàn tất chuẩn bị cho sự kiện, tôi, Nguyễn Thúy Hòa, đến từ chi đoàn 12C1 và bạn đồng hành, Châu Đặng Văn Nhật, đến từ chi đoàn 11C1, cùng nhau giới thiệu về buổi hoạt động trải nghiệm. Một chiếc bàn dài được đặt ở trên sân khấu, già làng Kon Trang Long Loi cùng các nghệ nhân trong làng tiến lên, chào mọi người. Sự hiện diện của các nghệ nhân đã tạo nên một bầu không khí ấm áp và thân thuộc, như thể tất cả mọi người ở đây là gia đình và chúng tôi đang đón nhận không khí đậm màu sắc văn hóa truyền thống đến từ quá khứ. Những tràng vỗ tay nồng nhiệt từ quý thầy cô và các bạn học sinh như tiếp thêm ngọn lửa đam mê cho các nghệ nhân. Già làng A Thui kể cho chúng tôi nghe về lịch sử hình thành và phát triển của nghề đan lát truyền thống tại làng Kon Trang Long Loi, quy trình để tạo ra một sản phẩm đan lát cũng như những khó khăn mà nghề truyền thống đang phải đối mặt trong thời đại công nghệ hiện nay. Thật xúc động khi các bạn học sinh đều bị thu hút và rất chăm chú tiếp thu từng lời nói của các nghệ nhân.

DanLat

Tiếp đến là phần giao lưu với các bạn học sinh phía dưới.

Để tạo ra một sản phẩm đan lát thì cần có nhiều thời gian không ạ?”

“Nghề đan lát có giá trị như thế nào trong đời sống vật chất và tinh thần của dân làng?”

Già làng trả lời lần lượt câu hỏi của các bạn học sinh. Tôi cảm nhận được sự háo hức, phấn khích, tò mò, và cả niềm kính trọng lẫn sự ngưỡng mộ đối với những người gìn giữ nghề truyền thống trong ánh mắt của các bạn. Giọng nói ông trầm ấm, có phần chậm rãi nhưng dễ nghe, như âm thanh của tiếng cồng lớn trong dàn cồng chiêng của người già làng hay treo trong nhà rông, như âm vang của truyền thống văn hóa núi rừng đại ngàn.

Tiếp nối chương trình là trò chơi “Chiếc túi thần kỳ”. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, tôi đã biến tấu trò chơi “Xé túi mù” đang rất được yêu thích trên mạng xã hội thành phiên bản của riêng mình. Tuy đây là ý tưởng mà tôi đề ra nhưng tôi không khỏi lo lắng. May mắn mỉm cười, mọi người đều yêu thích trò chơi tôi tổ chức. “Chiếc túi thần kỳ” đã thổi bùng lên không khí vui tươi, nhộn nhịp. Những tiếng cười vang vọng cùng với sự bàn luận sôi nổi giữa các đội chơi và người giám sát đã tạo nên một bầu không khí đầy sức sống. Trò chơi không chỉ mang tính giải trí mà còn rèn luyện cho các bạn những kỹ năng như sự nhanh nhẹn, tư duy sáng tạo và tinh thần đồng đội. Ngoài ra, trò chơi sẽ giúp các bạn thể hiện rõ sự yêu thích và niềm vui học hỏi đối với những kiến thức về làng nghề đan lát truyền thống tại làng Kon Trang Long Loi. Thật tuyệt vời khi thấy các bạn cùng nhau giao lưu vui vẻ, tạo nên những kỷ niệm đáng nhớ!

DanLat2

Theo sau đó, điểm nhấn đặc biệt của chương trình, “Hội thi Đan lát khéo tay” được tổ chức. 15 Chi Đoàn là 15 đội thi. Các bạn, bằng đôi bàn tay vốn dĩ chỉ quen với việc cầm bút, hôm nay cố gắng thể hiện rõ sự tài hoa, tỉ mỉ, tinh thần học hỏi, cùng nhau đan lên những vật dụng nhỏ nhắn xinh xinh hữu dụng trong cuộc sống. Từng mối lát đan chặt vào nhau, còn lộn xộn và không được thẳng hàng. Tôi thấy lo lắng cho các bạn, liệu bàn tay của bạn bè mình sẽ bị đâm bởi dằm tre, đứt bởi dao gọt? Nhưng dưới sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của các nghệ nhân, những lát đan được đan xếp ngay thẳng lại, tỉ mỉ hơn. Các bạn học sinh được thực hành, được trải nghiệm quy trình và những kĩ thuật đan lát. Và tôi để ý trên cái nhăn mặt vì những mối đan khó nhằn, là nụ cười mãn nguyện khi có thể tham gia vào cuộc thi, khi được chung tay đan, được học lại một nét văn hóa dân tộc truyền thống có thể bị mai một. “Không, phải đan thế này mới đúng nè.” – Một bạn khác lớp đang hướng dẫn đồng đội cách đan chiếc chiếu từ lồ ô. Lo lắng ban đầu trở thành niềm tự hào khi các bạn học sinh dần quen hơn với việc tự tay tạo ra những sản phẩm đan lát. Ở từng Chi đoàn, tiếng vỗ tay, cổ vũ nhiệt tình vang lên không ngớt. Chỉ 60 phút thôi, những người học việc trẻ tuổi, những học sinh, lần đầu tiên đã tạo ra được những họa tiết sống động và bắt mắt. Không ai nghĩ rằng mình có thể tạo nên những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời như thế: nào là những tấm lát đơn giản, đến cái sàng nhỏ bé xinh xinh, cái gùi tuy thiếu quai đeo, và cả những mối đan dở dang được tháo ra đan lại thành rổ nhỏ…

DanLat3

Để tạo thêm sự hứng khởi cho những bạn không tham gia hội thi, tôi tổ chức phần giao lưu hỏi đáp với nhiều câu hỏi thú vị liên quan đến nghề đan lát, nhạc cụ dân tộc và những giá trị văn hóa truyền thống tại địa phương. Hòa chung vào không khí, tiếng đàn tơ rưng cũng vang lên lảnh lót, tiếng đàn của già làng A Thui, giữa cuộc thi đan lát đầy thú vị của chúng tôi càng làm mọi người hào hứng. Những túi bim bim được chuẩn bị như những phần thưởng nhỏ đã khuyến khích các bạn tham gia nhiệt tình hơn. Tôi thật sự vui mừng khi thấy các bạn không chỉ háo hức trả lời câu hỏi mà còn tranh luận sôi nổi, tạo nên một không khí vui tươi, hứng khởi và đầy năng lượng.

DanLat4

Kết thúc phần giao lưu, các lớp cùng nhau chụp lại những bức ảnh hoạt động, họ chụp cùng bạn bè mình, chụp những sản phẩm và còn đứng cạnh những nghệ nhân, trao cho những người tài năng ấy ánh mắt và nụ cười thật dễ thương. Ai bảo rằng lớp trẻ ngày nay thiếu trách nhiệm, hời hợt với văn hóa đất nước? Buổi trải nghiệm này là minh chứng cho sự kết nối giữa thế hệ trẻ và tình yêu những di sản văn hóa, truyền thống dân tộc, đồng thời là lời động viên, khuyến khích thế hệ trẻ nuôi dưỡng tình yêu và lòng tự hào, cùng nhau bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa của dân tộc. Những bức ảnh kỉ niệm, những tiếng cười, tiếng vỗ tay, cả tiếng reo hò của các bạn làm buổi chiều hôm ấy quá đỗi sôi động, như một bức tranh được in đậm trong tâm trí tôi.

DanLat5

Đối với tôi, tổ chức buổi hoạt động này không chỉ đơn thuần là một nhiệm vụ mà còn là niềm đam mê và trách nhiệm cao cả. Tôi tin rằng việc giới thiệu và bảo tồn các nghề truyền thống là điều rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh hiện đại hóa như hiện nay. Những hoạt động như thế này sẽ góp phần khơi dậy lòng tự hào về văn hóa dân tộc trong mỗi học sinh, giúp các bạn hiểu rằng những nghề truyền thống không chỉ là di sản mà còn là nguồn cảm hứng cho sự sáng tạo trong cuộc sống. Không những thế, thông qua buổi trải nghiệm, chúng tôi, các bạn học sinh, còn được rèn luyện và phát huy tinh thần học hỏi, tinh thần làm việc tập thể, sự nhanh nhẹn, tỉ mỉ và kiên trì,… Tôi mong rằng, trong tương lai, chúng ta sẽ có nhiều hơn nữa những buổi hoạt động trải nghiệm như vậy, để mỗi thế hệ trẻ có cơ hội tìm hiểu, trân trọng và phát huy những giá trị văn hóa quý báu của ông cha, từ đó góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong dòng chảy hiện đại.

DanLat6

Đương thời, NSND Tự Long từng nói: “Văn hóa là bản chất, văn hóa là cội nguồn, văn hóa là dân tộc.” Là một người trẻ tuổi, tôi càng hiểu thêm về nỗi niềm của những lớp người đi trước, về nỗi lo lắng những nét văn hóa truyền thống có thể bị mai một… Mỗi người chúng tôi sẽ luôn tiếp bước trong hành trình bảo tồn và phát triển những nét tinh hoa văn hóa dân tộc, để biết ơn hơn cội nguồn của mình, và để biết mình là ai, mình cần có trách nhiệm gì. Nhật và tôi, sau ngày hôm ấy lại càng có thêm động lực để tiếp tục hành trình của mình, hành trình đưa hồn đan lát của làng Kon Trang Long Loi phát triển tiềm năng của mình, đưa nét văn hóa này hòa nhịp vào cuộc sống của các bạn trẻ ngày nay.