Đọc “Rừng không chỉ có màu xanh” của Nguyễn Toàn và đôi điều suy ngẫm về nghề dạy học.
Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:
Đọc “Rừng không chỉ có màu xanh” của Nguyễn Toàn
và đôi điều suy ngẫm về nghề dạy học.
Nguyễn Hùng Chiến
Nguyễn Toàn- cái tên có thể còn xa lạ với nhiều bạn đọc gần xa nhưng với ai quan tâm văn học nghệ thuật Kon Tum, anh là gương mặt tiêu biểu. Anh là học sinh trường viết Văn Nguyễn Du, từng đạt giải Tư cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1998-1999, giải Nhì truyện ngắn cuộc thi sáng tác về đề tài trẻ em (không có giải nhất) của tỉnh Kon Tum năm 1999-2000, đạt giải B- giải thưởng Văn học nghệ thuật năm 2011. Đến nay, anh đã giới thiệu cho bạn đọc nhiều tập truyện ngắn nhưng có lẽ tập truyện ngắn “Gieo hạt” và “Mưa trên đỉnh Ngọc Linh sơn” là đặc sắc hơn cả. Mỗi một sáng tác của nhà văn là một thông điệp về con người và cuộc sống trên mảnh đất Kon Tum nên người đọc không thể không đồng cảm với những số phận trắc trở, éo le, những con người hi sinh trong thầm lặng với sự nghiệp trồng người ở các bản làng xa xôi, hẻo lánh.
Ở tập truyện ngắn Gieo hạt, tác phẩm Rừng không chỉ có màu xanh – một câu chuyện cảm động về những giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng xa của huyện Konplong. Nhân chuyến trở lại thăm chiến trường xưa cùng với người bạn tên Hiển- hiện là giám đốc lâm trường Măng Đen, bao kỉ niệm đẹp đẽ của đồng đội cũ cứ hiện về trong tâm trí anh- người họa sĩ. Trong một buổi sáng nhìn núi rừng trùng điệp, bạt ngàn và tĩnh lặng, phong cảnh đẹp làm cho anh say sưa với những nét vẽ về bức tranh mong muốn bấy lâu. Miệt mài với nghệ thuật nhưng anh thật sự ngỡ ngàng khi gặp người con gái xinh đẹp xuất hiện giữa cánh rừng hoang, vắng lặng. Qua cuộc tâm tình trò chuyện, anh biết cô tên là Minh dạy học ở bản làng Kon Cheo xa xôi, nơi cô đã có nhiều năm tháng gắn bó máu thịt với đồng bào. Anh ghé thăm, thấu hiểu cuộc sống của cô còn nhiều lắm những khó khăn nhưng luôn thể hiện sự chân tình và lòng mến khách: “Vào đến nơi anh sẽ thấy em quý khách như thế nào. Em sẽ nấu cơm, đãi anh ăn món măng chua nấu với cá chuồn khô, muối trộn bột ngọt, ớt và ngò tàu giã nhỏ”. Và chứng kiến cuộc sống của cô giáo trẻ khiến anh càng day dứt: “Gian nhà vách đất, mái lợp bằng những ống lồ ô đập dập xếp chồng lên nhau, được ngăn đôi bằng cái tủ đứng kê giữa nhà. Cạnh cửa sổ là một bộ bàn ghế, được đóng bằng gỗ thông, còn thơm nồng mùi nhựa. Trên bàn để mấy chồng sách giáo khoa, cạnh bên là cái đèn dầu ám khói. Gian nhà chỉ vẻn vẹn chừng ấy. Cái giang sơn riêng của Minh từ hai năm nay”. Dẫu vậy, khó khăn không có nghĩa lý gì đối với những mất mát và hi sinh về tuổi thanh xuân của họ: “Đa số giáo viên trên này là nữ, có khối cô trẻ trung, tươi như hoa, xinh như mộng, thế mà phải cam chịu giam thân hàng mấy năm trời giữa rừng xanh núi đỏ, tách biệt hẳn với thế giới văn minh, có gì ăn nấy. Và chỉ cần bị vài cơn sốt rét thôi là da tái, mặt trũng, môi thâm, tuổi xuân đi qua lúc nào chẳng biết. Đau lắm”. Có thể nói không có tình yêu thương đối với những học trò thơ dại, không có ngọn lửa của niềm đam mê với nghề, chắc hẳn cô giáo Minh và những người bạn cùng trang lứa không đủ can đảm để vượt qua!
Gác lại những vất vả khó khăn, Minh hân hoan vui mừng khi có cuộc gặp gỡ thú vị với người họa sĩ tài hoa luôn biết đồng cảm, thấu hiểu và sẻ chia về những nỗi niềm của nghề dạy học. Cô tấm tắc khen anh vẽ đẹp, anh trân trọng những cống hiến của cô giáo trẻ, anh hứa sẽ tặng cô bức tranh để làm kỉ niệm. Lời hứa hẹn đang còn dang dở, anh có công chuyện phải trở lại Hà Nội sớm hơn dự định mà không kịp chia tay với Minh- người kỹ sư tâm hồn đang ngày đêm chấp cánh ước mơ cho học sinh ở vùng cao Konplong. Trở về với thủ đô yêu dấu, anh nhận được cú điện thoại của Hiển thông báo Minh đã vĩnh viễn ra đi vì tai nạn giao thông khi đang trên đường ra trung tâm huyện làm nhiệm vụ. Đau xót cho cô giáo trẻ, ngẫm nghĩ về những sự hi sinh mất mát lớn lao của các thế hệ nhà giáo, họ chôn vùi tuổi thanh xuân đẹp đẽ, nay có người lại phải gặp tai họa lớn mất cả tính mạng như Minh, người họa sĩ bàng hoàng thốt lên rằng: “rừng không chỉ có màu xanh”. Đó không phải là giật mình hay thảng thốt mà chính là tình cảm xuất phát từ tâm can khi anh nghĩ về con người của những đức hi sinh.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Lớp lớp đội ngũ các thầy giáo cô giáo không ai là không khắc ghi nghề dạy học không chỉ dạy chữ mà còn dạy người. Với trách nhiệm nặng nề, nghề dạy học không đơn thuần chỉ biết vượt qua gian khó mà còn phải biết hi sinh để đến với học sinh bằng tình cảm, tấm lòng và tình thương yêu của trái tim nhân hậu, bao dung. Viết về người giáo viên ở những vùng sâu, vùng xa đã có nhiều nguồn mạch cảm xúc nhưng bao nhiêu cũng chưa diễn tả hết được những cống hiến đóng góp của họ. Truyện ngắn “Tình yêu trên đỉnh Kíp Linh” của Đinh Su Giang cũng đã khắc họa sâu sắc sự hi sinh trong thầm lặng của cô giáo Liên. Dẫu Kíp Linh vẫn còn nhiều khó khăn vất vả, Liên lại sống trong nỗi nhớ nhung người yêu đến quay quắt nhưng tình yêu nghề, tình cảm, tấm lòng và vì tương lai, sự hồn nhiên trong sáng của học trò là động lực để cô quyết tâm gắn bó dài lâu với công việc của mình ở bản làng xa xôi, nơi mà tình yêu nghề đang vẫy gọi!
Quả thực với nghề giáo không ai là không nếm trải những ngọt bùi, cay đắng, mất mát và hi sinh trong đời. Trong mỗi một chúng ta chắc hẳn không ai có thể quên cơn lũ lịch sử năm 2009 tại Kon Tum. Mưa lũ đã gây ra nhiều chết chóc, mất mát và đau thương. Theo thống kê, ngành giáo dục có 02 giáo viên, 11 học sinh bị chết; về cơ sở vật chất, gồm: 16 phòng học bị sập và 155 phòng học bị tốc mái, 600 bộ bàn ghế học sinh bị cuốn trôi, 40 máy tính bị hư hỏng, hàng chục ngôi nhà của giáo viên bị hư hao, có trường bị sập hoàn toàn dẫn đến công tác dạy và học bị gián đoạn… Đó là những con số nói lên những khó khăn của ngành giáo dục phải đối mặt nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên sau cơn mưa trời lại sáng. Góp phần làm nên những thành tích chung là nhờ sự tận tâm, tận tụy với nghề của đội ngũ nhà giáo luôn cháy hết mình vì tương lai của các thế học trò.
Những chuyến công tác về các trường bán trú ở vùng sâu và vùng xa của Kon Tum, giúp chúng tôi nhận thức sâu sắc hơn tinh thần trách nhiệm, tình cảm, tấm lòng mà đội ngũ nhà giáo nơi đây dành tặng cho học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Những câu chuyện cảm động về đội ngũ giáo viên trẻ tuổi cắm bản hay chuyện thầy đi mua nợ gạo cơm, mắm muối… cho trò mới biết kể làm sao hết công lao người thầy! Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 hằng năm, là dịp để xã hội tôn vinh truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc và những gương nhà giáo tiêu biểu vùng sâu vùng xa của Kon Tum cũng không phải là ngoại lệ.
Truyện ngắn Rừng không chỉ có màu xanh của Nguyễn Toàn chưa phải là tất cả những mất mát, hi sinh trong thầm lặng của đội ngũ nhà giáo vùng cao Kon Tum. Anh viết tác phẩm như là món quà dành tặng và chia sẻ những nỗi niềm với nghề giáo- nghề cao quý trong những nghề cao quý. Bài học về đức hi sinh của nhà giáo dẫu hiện hữu hay vô hình cũng thật vĩ đại và có ý nghĩa lớn lao, cao đẹp như Nguyễn Công Sử trong tùy bút “Vui buồn nghề dạy học” viết: “Công việc của người thầy giáo như chính con tằm rút ruột nhả tơ: đau đấy, buồn đấy nhưng cũng hạnh phúc đấy”!
Kon Tum, tháng 10/2014