KẾ HOẠCH CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN TRƯỜNG THPT NGUYỄN DU GIAI ĐOẠN 2016 – 2020

Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:

SỞ GDĐT KON TUM

TRƯỜNG THPT NGUYỂN DU

Số:      /KH-THPT

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

 Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

                Đăk Hà, ngày 05 tháng 10 năm 2016

KẾ HOẠCH CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN TRƯỜNG THPT NGUYỄN DU

GIAI ĐOẠN 2016 – 2020

 

Trường  THPT Nguyễn Du được thành lập theo quyết định số 331/QĐ-CT, ngày 28/5/2008 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum, trường được tách ra từ trường THPT Trần Quốc Tuấn. Lúc đầu trường có tên là trường THPT Đăk Hring đến năm 2011 trường đổi tên thành trường THPT Nguyễn Du theo quyết định số 40/QĐ-CT, ngày 10/02/2011. Chặng đường phát triển mới được 8 năm nhưng trường đã từng bước khẳng định được vị thế của mình với các trường bạn bằng chính chất lượng thi Tốt nghiệp, Cao Đẳng – Đại học hằng năm. Đó là đoạn đường khởi điểm đầy thử thách khó khăn nhưng với nỗ lực của tập thể Hội đồng giáo dục, trường đang vững vàng đi tiếp con đường mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó. Trường nằm về phía Bắc Huyện Đăk Hà, cách trung tâm thị trấn gần 10 km, với một địa bàn tuyển sinh rộng lớn của học sinh các xã: Đăk Mar, Đăk Hring, Đăk Long, Đăk Pxi, Đăk Ui và một phần Đăk Ngọc, Diên Bình (Đăk Tô) nhưng dân cư còn thưa thớt, không tập trung.

Kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2016-2020, nhằm xác định rõ định hướng, mục tiêu chiến lược và các giải pháp chủ yếu trong quá trình vận động và phát triển, là cơ sở quan trọng cho các quyết sách của Hội đồng trường và hoạt động của Ban Giám hiệu cũng như toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường. Xây dựng và triển khai kế hoạch chiến lược của trường THPT Nguyễn Du là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị Quyết của chính phủ về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Cùng các trường THPT trên địa bàn, Trường THPT Nguyễn Du quyết tâm xây dựng phát triển theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

  1. PHÂN TÍCH MÔI TRƯỜNG:
  2. Đặc điểm tình hình :

    1.1. Môi trường bên trong:

  1. Điểm mạnh.

– Đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhà trường: 42; trong đó: BGH: 3, giáo viên: 33, nhân viên: 6.

– Trình độ chuyên môn: 100% đạt chuẩn, trong đó có 9 thạc sĩ; hiện đang học cao học 1.

– Công tác tổ chức quản lý của BGH: Có tầm nhìn khoa học, sáng tạo. Kế hoạch dài hạn, trung hạn và ngắn hạn có tính khả thi, sát thực tế. Công tác tổ chức triển khai kiểm tra đánh giá sâu sát, thực chất và đổi mới. Được sự tin tưởng cao của giáo viên, nhân viên nhà trường. Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

– Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên: nhiệt tình, có trách nhiệm, yêu nghề, gắn bó với nhà trường, luôn mong muốn nhà trường phát triển, chất lượng chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, đa số đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục. Đội ngũ cán bộ, giáo viên đa số còn trẻ về tuổi đời – tuổi nghề , được đào tạo cơ bản, có năng lực chuyên môn và kỹ năng sư phạm khá, tốt nên luôn nhiệt tình, năng nổ.

– Chất lượng học sinh:

+ Học lực:

Năm Tổng số HS Chất lượng học lực
Giỏi Khá Trung bình Yếu Kém
2008 – 2009 341 2,93 30,5 38,71 20,82 7,04
2009 – 2010 378 6,34 31,74 42,06 12,96 6,87
2010 – 2011 403 7,94 35,73 38,96 11,66 5,71
2011 – 2012 390 8,20 33,60 40,50 11,30 6,40
2012 – 2013 364 6,04 31,32 39,01 15,93 7,69
2013 – 2014 333 9,61 41,44 39,34 6,61 3,00
2014 – 2015 345 9,57 42,03 40,58 6,96 0,87
2015 – 2016 416 12,26 37,26 35,10 13,70 1,68

 

+ Hạnh kiểm:

Năm Tổng số HS Hạnh kiểm
Tốt Khá Trung bình Yếu
2008 – 2009 341 46,63 32,84 15,84 4,69
2009 – 2010 378 50,52 34,65 12,43 2,38
2010 – 2011 403 59,1 23,8 15,4 1,7
2011 – 2012 390 59,5 26,9 12,1 1,5
2012 – 2013 364 65,93 20,05 11,26 2,75
2013 – 2014 333 73,27 17,72 8,11 0,90
2014 – 2015 345 75,07 17,39 6,09 1,45
2015 – 2016 416 72,60 20,43 5,29 1,68

 

+ Thi học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 12 năm học 2008 – 2009: 01 HS; năm học 2009 – 2010: 02 HS;  năm học 2010 – 2011: 05 HS;  năm học 2011 – 2012: 09 HS;  năm học 2012 – 2013: 20 HS;  năm học 2013 – 2014: 06 HS;  năm học 2014 – 2015: 06 HS; năm học 2015 – 2016: 07 HS.

+ Tỷ lệ đỗ thi tốt nghiệp năm học 2008 – 2009: 97,8%;  năm học 2009 – 2010: 98,9%;  năm học 2010 – 2011 đạt 100 %;  năm học 2011 – 2012 đạt 100 %; năm học 2012 – 2013 đạt 100 %; năm học 2013 – 2014 đạt 100 %; năm học 2014 – 2015 đạt 96,84 % (kỳ thi 2 trong 1); năm học 2015 – 2016 đạt 98,96 % (kỳ thi 2 trong 1).

+ Tỷ lệ thi đỗ ĐH, CĐ: năm học 2008 – 2009 đạt 36,8%;  năm học 2009 – 2010 đạt 51,1%;  năm học 2010 – 2011 đạt 52,9%;  năm học 2011 – 2012 đạt 59,1%;  năm học 2012 – 2013 đạt 56,7%;  năm học 2013 – 2014 đạt 68,7%;  năm học 2014 – 2015 đạt 78,8%.  Năm học 2015 – 2016 HS đạt điểm sàn trở lên đạt trên 96,47% tính theo số lượng HS dự thi cụm thi ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng 85/96 (86 em dự thi, hỏng TN 1)

– Năm học 2016 – 2017 trường có:

+ Tổng số học sinh:  503 HS

+ Tổng số lớp: 14

– Cơ sở vật chất:

+ Phòng học: 13

+ Phòng thực hành: 01

+ Phòng Thư viện: có 02 – một dành để lưu trữ sách và một dành cho học sinh và  giáo viên đọc sách.

+ Phòng tin học: 02 với 45 máy

– Cơ sở vật chất  đáp ứng được một phần của yêu cầu dạy và học trong giai đoạn hiện tại.

– Thành tích chính: Đã khẳng định được vị trí là một trong năm trường THPT xuất sắc trong ngành giáo dục Tỉnh, được học sinh và cha mẹ học sinh tin cậy. (Số liệu thi tốt nghiệp THPT và kết quả cao đẳng, đại học hàng năm ở trên)

  1. Điểm hạn chế.

Hệ thống các phòng chức năng chưa đồng bộ; chưa có nhà hiệu bộ; chưa có nhà đa năng; chưa có phòng hội đồng riêng; các ban, đoàn thể phải hoạt động chung với nhau trong một phòng gây nhiều bất lợi. Các thiết bị dạy học chưa đầy đủ. Trường mới được thành lập trong một thời gian ngắn gắn với sự đổi mới của nền giáo dục nên các hoạt động mới đang trong giai đoạn thử nghiệm là chính chưa mang tính truyền thống bền vững.

Tổ chức quản lý của Ban Giám hiệu:

+ Công tác quản lý của BGH còn non trẻ, kinh nghiệm chưa nhiều; gia đình ở xa trường.

+ Đánh giá chất lượng chuyên môn của giáo viên còn mang tính động viên, chưa thực chất, phân công công tác chưa thật sự phù hợp với năng lực, trình độ, khả năng của một số giáo viên.

Đội ngũ giáo viên, nhân viên: Một bộ phận nhỏ giáo viên chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu giảng dạy, giáo dục học sinh. Trường nằm xa trung tâm nên việc bám lớp, bám trường của giáo viên còn nhiều hạn chế. Do đó, việc quản lí học sinh gặp không ít khó khăn. Một bộ phận giáo viên ngại khó, ngại khổ, chưa toàn tâm toàn lực với học sinh và trường lớp.

Chất lượng học sinh: Do địa bàn học sinh trải rộng nên việc đến trường gặp nhiều khó khăn (có em đi học trên 10 km) dẫn đến chất lượng học tập, chuyên cần, rèn luyện đạo đức chưa tốt. Hơn nữa dân cư đa phần thuần nông nên nhà trường gặp nhiều khó khăn trong việc động viên học sinh chuyên cần đến trường và khắc phục tình trạng học sinh bỏ học vẫn là vấn đề nan giải.

Cơ sở vật chất: Chưa đồng bộ, hiện đại; phòng làm việc của giáo viên, của lãnh đạo, tổ CM còn thiếu… Nhà trường phải tận dụng phòng chức năng thành phòng học, đáp ứng việc học chính khóa của học sinh. Tận dụng phòng học và phòng chức năng làm phòng làm việc.

1.2. Môi trường bên ngoài:

  1. a. Thời cơ:

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng những gì trường THPT Nguyễn Du làm được trong 8 năm qua đã khẳng định được uy tín của mình và có được sự tín nhiệm của học sinh và cha mẹ học sinh trong khu vực.

Hiện tại dân cư ở khu vực trường đóng còn thưa thớt nhưng với diện tích rộng lớn, đất đai phì nhiêu, là vùng dành cho cây công nghiệp phát triển nên hứa hẹn sẽ là một khu dân cư đông đúc và nhu cầu giáo dục sẽ ngày càng cao, đặc biệt là giáo dục chất lượng cao.

Về chất lượng học tập của học sinh: có nhiều tiến bộ, tạo đà phát triển cho nhà trường trong những năm tiếp theo.

  1. Thách thức:

– Trường mới thành lập, quy mô nhỏ, khó khăn về mọi mặt.

– Đa số học sinh là con em nông dân nên việc quan tâm đến việc học của các em từ phía cha mẹ còn nhiều hạn chế. Mối liên hệ giữa cha mẹ học sinh và nhà trường do đó cũng gặp nhiều khó khăn.

– Trong một xã hội có sự cạnh tranh cao đòi hỏi sự phấn đấu không mệt mỏi của tập thể Hội đồng nhà trường để ngày càng nâng cao về chất lượng giáo dục.

– Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên phải đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục.

– Ứng dụng CNTT trong giảng dạy, trình độ ngoại ngữ, khả năng sáng tạo của cán bộ, giáo viên, nhân viên.

– Các trường THPT ở khu vực và tỉnh tăng về số lượng và chất lượng giáo dục nên nhà trường cũng cần có những biến chuyển mang tính đột phá để giữ vững và phát triển những gì mình đã đạt được.

– Đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường phải ngày một nâng cao, đảm bảo nhu cầu cơ bản của đời sống…

  1. Xác định các vấn đề ưu tiên.

* Giai đoạn 1: Từ năm 2016 – 2017

– Đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá phù hợp với chương trình giáo dục và thi cử.

– Tăng cường ứng dụng CNTT trong dạy – học và công tác quản lý.

– Tự đánh giá cơ sở giáo dục.

* Giai đoạn 2: Từ năm 2017 –  2019

– Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên.

– Tiếp tục cải tiến ứng dụng CNTT trong dạy – học và công tác quản lý theo hướng hiện đại, tinh gọn.

– Xây dựng môi trường sư phạm thân thiện, bình ổn an ninh trật tự, giáo dục toàn diện học sinh.

– Vận dụng phương pháp dạy học hiện đại và kiểm tra đánh giá phù hợp với chương trình giáo dục.

– Kiểm tra rà soát các tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia; hoàn thiện tự đánh giá trong và chuẩn bị cho đánh giá ngoài.

* Giai đoạn 3: Từ năm 2019 – 2020

– Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của mỗi học sinh.

– Hoàn thiện hồ sơ trường chuẩn quốc gia và đề nghị đánh giá ngoài.

  1. ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC:
  2. Sứ mệnh. Mỗi học sinh được phát triển toàn diện tài năng và tư duy sáng tạo trong môi trường học tập kỷ cương, tiên tiến, năng động.
  3. Tầm nhìn. Học sinh tích cực tự học, sáng tạo, thành công; giáo viên tâm huyết, năng động, mẫu mực. Trường học chất lượng, uy tín, nhân văn. Nhân viên làm việc nhiệt tình cởi mở với nhân dân.
  4. Những giá trị cơ bản của nhà trường.

– Nhân ái

– Hợp tác

– Đoàn kết

– Trách nhiệm 

– Trung thực                                              

– Sáng tạo vươn lên những đỉnh cao mới.

III. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU VÀ PHƯƠNG CHÂM HÀNH ĐỘNG.

  1. Mục tiêu.

Xây dựng nhà trường có uy tín về chất lượng giáo dục, là mô hình giáo dục hiện đại, tiên tiến phù hợp với điều kiện và xu thế phát triển của đất nước và thời đại.

  1. Chỉ tiêu.

2.1. Đội ngũ cán bộ, giáo viên.

– Năng lực chuyên môn của cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên được đánh giá khá, giỏi trên 70%

– Giáo viên sử dụng thành thạo với các phần mềm máy tính hỗ trợ dạy học 100%

– 100% giáo viên đạt trình độ ngoại ngữ, tin học theo qui định.

– Số tiết dạy sử dụng công nghệ thông tin trên 20% .

– Có trên 25% cán bộ quản lý và giáo viên có trình độ sau Đại học.

– Phấn đấu 5 tổ chuyên môn có giáo viên đạt trình độ sau Đại học, trong đó tổ trưởng chuyên môn có trình độ sau Đại học (kể cả đang theo học).

2.2. Học sinh

– Qui mô:  + Lớp học: từ 15 đến 20 lớp.

+ Học sinh: 500 đến 650  học sinh.

– Chất lượng học tập:

+ Trên: 45%  học lực khá, giỏi (10% học lực giỏi)

+ Tỷ lệ học sinh có học lực yếu dưới 5% không có học sinh kém.

+ Thi đỗ Đại học, Cao đẳng (NV1) trên 70%, còn lại tiếp tục học các trường TCCN hoặc học nghề sau khi tốt nghiệp

+ Thi học sinh giỏi cấp tỉnh 12:  đạt giải hơn 2% HS toàn trường.

+ Có học sinh đạt HS giỏi quốc gia.

– Chất lượng đạo đức, kỹ năng sống.

+ Chất lượng hạnh kiểm: trên 90% khá, tốt.

+ 100% học sinh được trang bị các kỹ năng sống cơ bản, tích cực tự nguyện tham gia các hoạt động xã hội, tình nguyện.

2.3. Cơ sở vật chất

– Phòng học, phòng làm việc, phòng phục vụ được đầu tư, sửa chữa nâng cấp và xây mới, trang bị các thiết bị phục vụ dạy, học và làm việc đạt chuẩn.

– Các phòng tin học, thí nghiệm, phòng đa năng được trang bị nâng cấp theo hướng hiện đại.

– Xây dựng môi trường sư phạm “ Xanh – Sạch – Đẹp – An toàn”

  1. Phương châm hành động :

Tự học, tiến thủ, sáng tạo, thành công.

  1. CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG:
  2. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục học sinh.

Nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục toàn diện, đặc biệt là chất lượng giáo dục đạo đức và chất lượng văn hoá. Đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh phù hợp với mục tiêu, nội dung chương trình và đối tượng học sinh. Đổi mới các hoạt động giáo dục, hoạt động tập thể, gắn học với hành, lý thuyết với thực tiễn; giúp học sinh có được những kỹ năng sống cơ bản.

Người phụ trách: Ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên bộ môn.

  1. Xây dựng và phát triển đội ngũ

Xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên đủ về số lượng; có phẩm chất chính trị; có năng lực chuyên môn đạt chuẩn; có trình độ Tin học, Ngoại ngữ cơ bản, có phong cách sư phạm mẫu mực. Đoàn kết, tâm huyết, gắn bó với nhà trường, hợp tác, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.

Người phụ trách: Ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn

  1. Cơ sở vật chất và trang thiết bị giáo dục

Xây dựng cơ sở vật chất trang thiết bị giáo dục theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá. Bảo quản và sử dụng hiệu quả, lâu dài.

Người phụ trách: Phó Hiệu trưởng phụ trách cơ sở vật chất và trang thiết bị giáo dục; kế toán, nhân viên thiết bị.

  1. Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin.

Triển khai rộng rãi việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giảng dạy, xây dựng kho học liệu điện tử, thư viện điện tử,…góp phần nâng cao chất lượng quản lý, dạy và học. Động viên cán bộ, giáo viên, nhân viên tự học hoặc theo học các lớp bồi dưỡng để sử dụng được máy tính phục vụ cho công việc.

Người phụ trách: Phó Hiệu trưởng, nhóm phụ trách công nghệ thông tin.

  1. Huy động mọi nguồn lực xã hội vào hoạt động giáo dục.

– Xây dựng nhà trường văn hoá, thực hiện tốt quy chế dân chủ trong nhà trường. Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, giáo viên, nhân viên.

– Huy động được các nguồn lực của xã hội, cá nhân tham gia vào việc phát triển Nhà trường.

+ Nguồn lực tài chính:

~ Ngân sách Nhà nước.

~ Ngoài ngân sách “Từ các nhà tài trợ, CMHS…”

~ Các nguồn từ giảng dạy, dịch vụ của Nhà trường

+ Nguồn lực vật chất:

~ Khuôn viên Nhà trường, phòng học, phòng làm việc và các công trình phụ trợ.

~ Trang thiết bị giảng dạy, công nghệ phục vụ dạy –  học.

Người phụ trách: BGH, BCH Công đoàn, Ban đại diện CMHS.

  1. Xây dựng thương hiệu

– Xây dựng thương hiệu và tín nhiệm của xã hội đối với Nhà trường.

– Xác lập tín nhiệm thương hiệu đối với từng cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và CMHS.

– Đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng Nhà trường từ hoạt động mang tính kinh nghiệm đến những giá trị truyền thống bền vững, nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi thành viên đối với quá trình xây dựng thương hiệu của Nhà trường.

 

  1. TỔ CHỨC THEO DÕI, KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ VIỆC THỰC HIỆN KẾ HOẠCH.
  2. Phổ biến kế hoạch chiến lược: Kế hoạch chiến lược được phổ biến rộng rãi tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường, cơ quan chủ quản, CMHS, học sinh và các tổ chức cá nhân quan tâm đến nhà trường.
  3. Tổ chức: Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch chiến lược là bộ phận chịu trách nhiệm điều phối quá trình triển khai kế hoạch chiến lược. Điều chỉnh kế hoạch chiến lược sau từng giai đoạn sát với tình hình thực tế của nhà trường.
  4. Lộ trình thực hiện kế hoạch chiến lược:

– Giai đoạn 1: Từ năm 2016 – 2017

– Giai đoạn 2: Từ năm 2017 – 2019

– Giai đoạn 3: Từ năm 2019 – 2020

  1. Đối với Hiệu trưởng: Tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch chiến lược tới từng cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Thành lập Ban kiểm tra và đánh giá thực hiện kế hoạch trong từng năm học, từng giai đoạn.
  2. Đối với các Phó Hiệu trưởng: Theo nhiệm vụ được phân công, giúp Hiệu trưởng tổ chức triển khai từng phần việc cụ thể, đồng thời kiểm tra và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch, đề xuất những giải pháp để thực hiện.
  3. Đối với tổ trưởng chuyên môn: Tổ chức thực hiện kế hoạch trong tổ; kiểm tra đánh giá việc thực hiện kế hoạch của các thành viên. Tìm hiểu nguyên nhân, đề xuất các giải pháp để thực hiện kế hoạch.
  4. Đối với cá nhân cán bộ, giáo viên, nhân viên: Căn cứ kế hoạch chiến lược, kế hoạch năm học của nhà trường để xây dựng kế hoạch công tác cá nhân theo từng năm học. Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch theo từng học kỳ, năm học. Đề xuất các giải pháp để thực hiện kế hoạch.
  5. KẾT LUẬN:
  6. Kế hoạch chiến lược là một văn bản có giá trị định hướng cho sự xây dựng và phát triển giáo dục của nhà trường đúng hướng trong tương lai; giúp cho nhà trường có sự điều chỉnh hợp lý trong từng kế hoạch hàng năm.
  7. Kế hoạch chiến lược còn thể hiện sự quyết tâm của toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường xây dựng cho mình một địa chỉ giáo dục đáng tin cậy.
  8. Trong thời kỳ hội nhập, có nhiều sự thay đổi kinh tế xã hội, kế hoạch chiến lược của nhà trường tất nhiên sẽ có sự điều chỉnh và bổ sung. Tuy nhiên bản kế hoạch chiến lược này là cơ sở nền tảng để nhà trường hoạch định chiến lược phát triển giáo dục cho những giai đoạn tiếp theo một cách bền vững.

VII. KIẾN NGHỊ:

  1. Đối với tỉnh: Quan tâm đầu tư cho nhà trường về cơ sở vật chất và kinh phí tổ chức, hoạt động phù hợp với thực tế của trường.
  2. Đối với huyện: Quan tâm tuyên truyền, quảng bá nhà trường trong nhân dân địa phương.
  3. Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo: Tham mưu với tỉnh tạo mọi điều kiện để trường có đầy đủ cơ sở vật chất thực hiện KHCL đã đề ra; chỉ đạo, giúp đỡ trường về cách tổ chức, thực hiện.
  4. Đối với trường: Tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh được quán triệt đầy đủ KHCL đã xây dựng và cùng quyết tâm thực hiện thành công kế hoạch, xây dựng nhà trường xứng đáng với Sứ mệnh, tầm nhìn và hệ thống giá trị cơ bản đã đề ra./.

                                                                                         HIỆU TRƯỞNG